Sau thời gian thúc đẩy nhiều giải pháp đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc nước ngoài, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận số lượng lao động tham gia tăng cao. Nhiều lao động, nhất là ở các huyện miền núi thuộc diện hộ nghèo đã đổi đời nâng cao thu nhập, tay nghề.
Tiếp cận lao động miền núi, mở cơ hội đi làm việc nước ngoài
Anh Cao Cầu (trú xã Phước Đồng, TP Nha Trang) cho hay, 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định. Năm 2022, anh Cầu tiếp cận được nhu cầu tuyển lao động xây dựng ở Nhật Bản, anh đã đăng ký đi làm với mức thu nhập 35 triệu đồng/tháng. Nhờ mức lương này, gia đình anh Cầu đã có thu nhập ổn định, xây được nhà, thoát diện hộ nghèo ở địa phương.
Cuối tháng 10.2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Khánh Hòa phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Khánh Vĩnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tại UBND xã Khánh Thượng. Tại phiên giao dịch việc làm này ngoài kết nối nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong nước, Trung tâm DVVL Khánh Hòa còn tìm kiếm 70 lao động đi làm việc tại Nhật Bản và 162 lao động làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).
Chị Cao Thị Sáng (22 tuổi, trú xã Khánh Thượng), từng làm công nhân may ở một doanh nghiệp ở KCN Suối Dầu nhưng sau dịch COVID-19 công việc không ổn định. Qua tìm hiểu chị quyết định chọn ứng tuyển đi làm thợ may ở Nhật Bản. Chị Sáng cho biết: “Gia đình cũng đang có người đi làm việc ở nước ngoài với mức lương cao hơn nên tôi quyết định tìm cơ hội việc làm mới”.
Thực hiện “Đề án Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”, Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối với 60 đơn vị, doanh nghiệp có uy tín hỗ trợ, đẩy mạnh công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ địa phương luôn nằm trong số các tỉnh thành ít có lao động đi làm việc ở nước ngoài, sau 3 năm từ 2021-2023, Khánh Hòa đã có 685 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh có 17 người, đa số là lao động thuộc diện hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có hơn 300 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo ghi nhận của Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa, thu nhập bình quân của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong tỉnh bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng. NLĐ sau khi hết hạn hợp đồng lao động về nước, mỗi lao động tích lũy được từ 850 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Những gia đình có con, em đi làm việc ở nước ngoài có đời sống vật chất và tinh thần tốt hơn. Khi trở về nước trình độ tay nghề, kiến thức ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động được nâng lên đáng kể.
Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ NLĐ hộ nghèo đi xuất khẩu lao động
Theo ông Đặng Quang Giang – Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Khánh Hòa, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua số lượng đi tăng dần theo hàng năm, chất lượng lao động được nâng cao, mang lại mức thu nhập tốt, nhiều lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài về nước đã có cuộc sống tốt hơn.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm mới đây, ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2025-2030. Tạo điều kiện cho NLĐ, đặc biệt lao động thuộc hộ chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về kinh tế được đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, vươn lên khá giàu, góp phần thoát nghèo bền vững.
Ông Thiệu nhấn mạnh, cùng với đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ NLĐ, các cấp, ngành tăng cường giám sát quy trình tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, tránh tình trạng dụ dỗ, lừa NLĐ; công khai, minh bạch các khoản phí cho NLĐ biết và lựa chọn tham gia. Phối hợp thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên, NLĐ về các chính sách hỗ trợ, cho vay vốn của Nhà nước để đi làm việc ở nước ngoài.